Có bạn trả lời là nên tập chép chính tả, có bạn nói là nên học phát âm. Mỗi bạn 1 phương pháp. Tuy nhiên mình nghĩ như sau:
Quá trình nghe đòi hỏi bạn phải:
1 – NGHE ĐƯỢC TỪ
2 – HIỂU ĐƯỢC Ý
 
1- Nghe được từ = bạn nghe nhiều các nguồn tiếng Anh và có thể là tập chép chính tả nữa, như vậy sẽ giúp bạn có thể đảm bảo việc bắt được từng từ một trong IELTS listening. Quá trình này không dễ, nhưng cũng không khó. Cứ luyện tập kiên trì là được.
Về điểm này thì các bạn có thể sử dụng ngay các từ điển như Longman (ldoceonline.com) để luyện thay vì nghe CNN và BBC –> các bạn sẽ thấy đỡ nản hơn: click vào ví dụ và nghe xem họ nói câu ra sao rồi chép lại.
 
2- Hiểu được ý = Đảm bảo việc lúc nghe hiểu được thông tin họ nói gì. Đây là điều quan trọng nhất.
Phần này khó hơn, 1 nguyên nhân lớn là do những thông tin trong bản thân bài thi IELTS listening là khá xa lạ với nhiều bạn, thậm chí là các bạn đã thi IELTS. Ví dụ như những trao đổi trong 1 bài nói chuyện về địa chỉ, postal code (mã bưu chính) thì chắc hẳn rất quen thuộc với người bản địa hoặc các bạn du học sinh, nhưng ở Việt Nam thì chưa. Hay như ở section 3 có nhiều cuộc đối thoại về các vấn đề ở giảng đường, trao đổi về assignment, essay, v.v… thì không xa lạ với các bạn học trong môi trường quốc tế, nhưng với nhiều bạn ở Việt Nam thì có thể còn mới.
 
Bằng chứng là nếu dịch nguyên 1 bài IELTS listening sang tiếng Việt thì cũng có thể thấy các thông tin được đưa ra khác cách mà các thầy cô ở Việt Nam mình đưa ra lúc cho học sinh làm bài tập như thế nào. Một bên (như mình học ở 1 đại học khối kỹ thuật ở VN – không biết các bạn trường khác thế nào) là đọc, chép, đến khi làm bài tập lớn cũng chỉ có đề bài và hướng dẫn chung cho cả lớp, nhiều lúc bài làm mang tính râp khuôn. Một bên (ở UK) là làm bài tập theo nhóm, thảo luận theo nhóm, tự nghiên cứu sách vở ở thư viện để trình bày quan điểm cá nhân mình. Như vậy, khó khăn trong việc hiểu nội dung trong các bài IELTS Listening xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa, lối sống phương pháp học tập, cách nói chuyện & trao đổi thông tin v.v…
Nói theo cách khác, khi bạn có khả năng chép chính tả tốt không có nghĩa là bạn đã nắm được nội dung chính của bài nghe.
 
Một yếu tố khác là từ vựng. Chưa nói đến các từ academic cao siêu mà ngay những cụm từ như “give it a miss” hoặc “give it a shot” là các cụm từ khá phổ biến, nhưng nhiều bạn không hiểu nghĩa các cụm từ này –> không đảm bảo được việc hiểu nghĩa, ngay cả khi bạn đọc transcript.
-> Lời khuyên của mình là nên ĐỌC TRANSCRIPT, đảm bảo thật hiểu transcript. Nếu bạn đang đọc đến 1 đoạn nào đó không hề có từ mới nhưng phải dừng lại vì không hiểu ý của người nói là gì thì rất có thể bạn đang đối mặt với 1 trong những vấn đề mà mình kể trên.
 
Nói thế không có nghĩa là đọc transcript của các sách mới như Cambridge 14 15, các sách này mình nghĩ nên dùng để tự test trình độ. Còn ngoài ra có rất nhiều nguồn transcript của các sách IELTS khác có các chủ đề tương tự mà các bạn có thể tham khảo, đó là các cuốn Cam cũ hơn như các cuốn 1-9. Đọc transcript đến khi mà các nội dung trong bài đọc không còn xa lạ với bạn nữa, bạn đọc mà không phải dừng để hiểu ý nữa.
 
Sau đó, để hiểu được nghĩa thì các bạn nên làm quen với việc ghi chép các thông tin chính ra giấy. Thậm chí các bạn có thể tập luyện giống các bạn chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL iBT, tức là THỬ nghe toàn bộ đoạn băng và note thông tin chính ra giấy trước (note taking) rồi mới đọc và trả lời câu hỏi. Như vậy bạn sẽ tập trung toàn bộ năng lực vào việc HIỂU THÔNG TIN thay vì bị phân tán bởi việc trả lời câu hỏi. Các bạn cũng có thể bật các video ngắn trên youtube ra và thử ghi chép ý chính. Nhắc lại, ghi chép ý chính (để hiểu) KHÁC với chép chính tả (để nắm được mặt chữ)!!!
 
Chúc các bạn học tốt!
Thầy Đinh Thắng
 
 

Post Author: Thu Hằng

Leave a Reply

Your email address will not be published.